Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Học nghề vẫn là sự lựa chọn cuối cùng


BTO- Bác tôi đưa con đi thi đại học, biết rằng đi thi cho vui vì thằng con học kém, ham chơi. Đi thi để rồi hi vọng, “không đậu được đại học may ra cũng đậu cao đẳng, không vào được trường công thì nộp hồ sơ vào trường tư… Không được nữa mới đi học nghề”. Nghe bác nói với giọng chẳng vui vẻ gì, nhưng cái đích cuối cùng phải nhắm tới sẽ là học nghề. Tôi mừng vì bác đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, đại học không phải là con đường duy nhất.

Đợt thi Đại học, Cao đẳng năm 2012 vừa kết thúc, các thí sinh mỗi người một tâm trạng nhưng ai cũng đang hồi hộp đợi kết quả, nhưng khó cho người thi đỗ thì ít mà khó cho người thi trượt thì nhiều. Phải vất vả lắm nhóm thi trượt mới chấp nhận chuyển từ đại học sang học nghề. Tâm lý khoa cử còn đè nặng; tuy biết “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” nhưng học nghề bao giờ cũng là lựa chọn cuối cùng, bất đắc dĩ chứ không phải là định hướng tự nguyện ngay từ đầu của học sinh và phụ huynh.


Thực hành học nghề như học sửa chữa điện thoại, sửa chữa laptop

Gần đây, Nhà nước đã có chính sách cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tạo nhiều việc làm cho lao động có tay nghề, mở cửa đón thẳng học sinh vào các trường nghề, có nhiều hình thức tôn vinh người thợ, đãi ngộ xứng đáng với thợ bậc cao, v.v… Nhưng học nghề vẫn chưa làm người học hãnh diện, tự hào khi ai đó vô tình hỏi đến. Chính vì vậy, gia đình nên là nơi đầu tiên hướng nghiệp học nghề cho con. Cha mẹ, những người thân trong gia đình biết rõ nhất tâm tính và sức học của con, nếu thấy các em phù hợp nhất với việc học nghề thì nên hướng cho con học nghề từ sớm. Mỗi thanh niên tự nguyện đi học nghề là một thay đổi tích cực của xã hội theo hướng thoát ly dần khỏi tâm lý khoa cử.

Theo Sở LĐTB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở dạy nghề, trong đó có 4 cơ sở ngoài công lập phân bố tại 10 huyện, thị, thành phố. Những nghề phổ biến đang được nhiều người theo học tại các cơ sở nói trên là nghề lắp ráp – sửa chữa máy tính, sửa điện thoại di động, nghề điện tử dân dụng, điện công nghiệp, điện dân dụng, tin học văn phòng, lễ tân nhà hàng… Đặc biệt, nhóm ngành nghề nông nghiệp như trồng, chăm sóc cây thanh long, cây cao su, chăn nuôi thú y… thu hút nhiều thanh niên tham gia học nghề. Khi xác định được việc phải học nghề, học sinh có thể học nghề ngắn hạn, từ 3 tháng đến dưới 1 năm, học dài hạn từ hơn 1 năm đến 2 năm; hay lâu hơn tùy theo sở thích và ngành nghề mình chọn. Sau khi ra trường, học viên có thể tự tin làm việc ở các công ty cần lao động có tay nghề cao, hoặc tự mình làm chủ cơ sở nếu có điều kiện. Có thể nói, học nghề hiện nay đang được nhiều bạn trẻ suy nghĩ, lựa chọn và số lượng đăng ký tăng dần theo từng năm. Không nhất thiết phải là đại học hay cao đẳng thì mới kiếm được việc lương cao, chính học nghề sẽ giúp bạn dễ thành công hơn trong cuộc sống sau này.

Chỉ xin nhớ một điều, hãy tự nguyện đến với nghề mà mình chọn, học một cách say mê và thích thú thì nghề mới đãi mình. Tục ngữ có câu: “Ruộng bề bề không bằng cớ nghề trong tay” - tài sản quý giá nhất có khả năng sinh ra các tài sản khác là một tay nghề giỏi, chứ không phải những thứ cụ thể như nhà cửa, ruộng vườn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét