Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Thua từ nóc

Có lẽ chẳng ai nghĩ rằng Cộng đồng chung ASEAN năm tới 2015 hình thành sắp mở ra cơ hội lớn cho lao động có tay nghề trong việc lựa chọn lao động trong khu vực, mà VN ta 82,1% lao động đang có việc làm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật – theo Niên giám Thống kê 2013. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng ta đang ở thời kỳ "dân số vàng”, nhưng với trình độ đào tạo nghề thấp vậy, nếu không nhanh chấn chỉnh, e cơ hội vàng sẽ qua đi một cách đáng tiếc không quay trở lại!



Dạy nghề chưa bám sát thị trường lao động

Hà Nội vừa có Chương trình hành động với công tác đào tạo nhân lực, phấn đấu từ nay đến 2020 mỗi năm đào tạo 3.500 lao động tay nghề cao. Quả đáng mừng. Chí ít hành động này sẽ giúp những lao động này tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm khi hội nhập. Nhưng cụ thể TP sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ và trung cấp, đặc biệt là các trường CĐ nghề trên địa bàn TP, lại thấy… rối! Đã cao đẳng và trung cấp, lại còn cao đẳng nghề. Đây rõ là một hệ thống giáo dục nghề nghiệp bất hợp lý chưa từng thấy ở đất nước nào.

Dạy nghề sửa chữa điện thoại và giáo dục nghề nghiệp - thực ra hai khái niệm chỉ là một. PGS.TS Ngô Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) bày tỏ: "Tôi thích dùng cụm từ "giáo dục nghề nghiệp” hơn dạy nghề. Dạy một người có tay nghề rất giỏi mà thiếu có khả năng phối hợp với đồng nghiệp, không tự giác làm việc, tay nghề đó chẳng để làm gì…”.

Vẫn biết một hệ thống giáo dục mà có đến hai hệ trung cấp, hai hệ cao đẳng là chuyện "kinh dị” chưa từng có và việc thống nhất đầu mối quản lý phải được đặt ra từ lâu. Vẫn biết hệ thống bất hợp lý do phân chia quản lý giữa hai bộ tiếp tục gây khốn khổ cho chất lượng nhân lực nghề. Nhưng những vấn đề "đại sự” về cơ cấu hệ thống giáo dục đến nay vẫn chưa được làm rõ nên các trường và người đi học vẫn là nạn nhân số 1 của sự phân chia quyền lực quản lý này.

Đề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao tới năm 2020” mới được Chính phủ phê duyệt là một điểm nhấn quan trọng hứa hẹn nguồn nhân lực đáp ứng thị trường khu vực. Song theo lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong gần 500 trường trung cấp - cao đẳng nghề thuộc các bộ, ngành, địa phương, sẽ chọn ra 45 trường cao đẳng nghề công lập với 34 nghề để định hướng tập trung đầu tư. Quả càng khó hiểu không biết đâu mới là đầu mối thực sự quản lý giáo dục nghề nghiệp?

Sự "rối loạn” diễn ra bất chấp hội nhập lao động khu vực đang thách thức. Chỉ có điều từ "tranh chấp” quản lý này, không ít người ngậm ngùi khi liên tưởng đến quyết sách mà Thái Lan đào tạo nghề chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN.

Ủy ban giáo dục hướng nghiệp Thái Lan mới đây công bố hai biện pháp lớn giúp sinh viên học nghề Thái Lan chuẩn bị cho một cộng đồng chung ASEAN. Đó là khảo sát nhu cầu lao động các nước thành viên để phác thảo một kế hoạch đáp ứng, và thứ hai là sửa đổi chương trình giảng dạy ở các cấp giáo dục hướng nghiệp cho phù hợp, tập trung vào ba lĩnh vực gồm ngôn ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng làm việc. Thủ tướng Thái Lan yêu cầu Bộ Giáo dục tập trung hơn nữa vào giáo dục hướng nghiệp nhằm đào tạo thêm lực lượng lao động có tay nghề đang rất thiếu ở Thái Lan.

Chính vì có Ủy ban giáo dục hướng nghiệp, có quyết sách cụ thể hướng tới người lao động, Thái Lan cũng như nhiều nước đang nỗ lực hướng nghiệp bằng mọi cách, hỗ trợ kỹ năng cụ thể và dạy "thật”. Chỉ mở trường, mở lớp để dạy khi "biết mình, biết người”, chắc chắn có đủ điều kiện để giảng dạy nghiêm túc, thay vì vẽ ra nhiều tiêu chí hình thức và quản lý chồng chéo lãng phí.

Hiến pháp mới 2013 không quy định dạy nghề là một lĩnh vực tách riêng của hệ thống giáo dục đào tạo. Vả lại, ai cũng ngầm hiểu dạy nghề phải thuộc giáo dục nghề nghiệp. "Quản lý Nhà nước về dạy nghề tốt mới tiến lên được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này khi góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề mới đây. Chưa nói tới thua kém quá rõ về năng suất lao động, về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chỉ thua về quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã là cái "thua từ nóc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét